Nhiều phụ huynh còn băn khoăn: “Nên bổ sung DHA hay Omega 3 cho bé?” bởi cả 2 hoạt chất này thường xuyên có mặt trong các sản phẩm hỗ trợ trí não và phát triển thị lực cho bé. Bài viết dưới đây sẽ so sánh các đặc điểm của DHA và Omega 3 để giải đáp thắc mắc của các mẹ cũng như giúp mẹ có thể đưa ra lựa chọn phù hợp với con mình nhé!
1. DHA và Omega 3 có giống nhau không?
Trước tiên cần hiểu Omega 3 là một nhóm axit béo không no thiết yếu, bao gồm ALA (Alpha-Linolenic Acid) – có nhiều trong các loại thực vật như hạt lanh, hạt chia, dầu đậu nành,…; EPA (Eicosapentaenoic Acid) và DHA (Docosahexaenoic Acid) – có nhiều trong các sinh vật biển như cá, tảo,…

Như vậy, có thể thấy, DHA là một dạng cụ thể của Omega 3, có vai trò đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Do đó, các mẹ cần lưu ý: Nói bổ sung Omega 3 không đồng nghĩa với việc bé đang nhận đủ DHA.
2. Vai trò của DHA đối với sự phát triển của trẻ nhỏ
DHA chiếm tỉ lệ rất cao trong não bộ và võng mạc (15-20% trong não bộ, 50-60% trong võng mạc mắt). Giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi là giai đoạn vàng cho sự phát triển của con. Trong giai đoạn này, DHA đóng nhiều vai trò quan trọng:
2.1. Phát triển não bộ và trí thông minh
DHA có mặt với tỷ lệ cao trong chất xám của não – vùng liên quan đến tư duy, học hỏi và trí nhớ. Axit béo này giúp tăng độ nhạy của các neuron thần kinh, hỗ trợ dẫn truyền tín hiệu thần kinh nhanh và chính xác.
Một số nghiên cứu quan sát cho thấy, trẻ được nuôi bằng sữa mẹ (vốn chứa lượng DHA tự nhiên cao) hoặc được cung cấp DHA đầy đủ qua chế độ ăn, thường có chỉ số IQ cao hơn so với nhóm thiếu DHA trong giai đoạn phát triển.
2.2. Hỗ trợ phát triển thị lực
DHA chiếm tỷ lệ rất cao trong võng mạc – nơi tiếp nhận và xử lý hình ảnh. Việc cung cấp đủ DHA giúp hỗ trợ phát triển hoàn thiện chức năng nhìn, góp phần cải thiện khả năng điều tiết và phản xạ ánh sáng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
2.3. Góp phần phát triển thể chất toàn diện
DHA cũng được ghi nhận có mối liên hệ với các chỉ số phát triển thể chất quan trọng như vòng đầu, cân nặng và chiều dài cơ thể. Cung cấp đủ DHA trong giai đoạn trước và sau sinh có thể giúp giảm nguy cơ suy dinh dưỡng sơ sinh và hỗ trợ trẻ đạt mức phát triển khỏe mạnh hơn.

2.4. Hỗ trợ miễn dịch và giảm nguy cơ dị ứng
Ngoài vai trò với não và mắt, DHA còn có ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. Một số bằng chứng cho thấy DHA có thể giúp điều hòa phản ứng miễn dịch, từ đó giảm nguy cơ dị ứng và hỗ trợ trẻ khỏe mạnh hơn trong những năm đầu đời.
3. Nên bổ sung DHA hay Omega 3 cho bé?
Có thể thấy, cả DHA và Omega 3 đều có những công dụng và vai trò riêng. Do đó rất khó để có câu trả lời chính xác cho việc nên bổ sung DHA hay Omega 3 cho bé. Mẹ có thể dựa trên tình trạng và nhu cầu của trẻ để đưa ra lựa chọn cho phù hợp.
Nếu mục tiêu của trẻ là là tăng cường phát triển nhận thức, khả năng tập trung, học hỏi và thị lực, mẹ nên ưu tiên bổ sung DHA trực tiếp, vì trẻ nhỏ khó có thể tự tổng hợp đủ DHA từ Omega 3 do tỷ lệ chuyển hóa ALA (phổ biến trong nhiều sản phẩm Omega-3 tổng hợp) thành DHA thực sự rất thấp, chỉ khoảng 0.5-5%. Vì vậy, việc chỉ bổ sung các sản phẩm này sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn cho sự phát triển não bộ và thị lực.
Đọc thêm: Bổ sung DHA cho trẻ từ mấy tháng tuổi?
Nếu bé đã có chế độ ăn tương đối cân bằng, và mẹ muốn bổ sung thêm chất béo tốt để nâng cao nền sức khỏe chung, thì Omega-3 tổng thể chính là lựa chọn phù hợp.
4. Những lưu ý khi bổ sung DHA cho trẻ
Nhìn chung, cả DHA và Omega 3 đều là 2 dưỡng chất được giới chuyên gia dinh dưỡng đánh giá cao cả về độ an toàn lẫn công dụng khi bổ sung cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, sản phẩm nào cũng vậy, nếu bổ sung không đúng cách hoàn toàn có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Do đó, phụ huynh cần lưu ý những điểm sau:
- Tuân thủ liều lượng khuyến nghị: Việc bổ sung nên dựa trên độ tuổi, cân nặng, tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe tổng thể của trẻ. Tuyệt đối không tăng liều tùy ý mà không có chỉ định từ chuyên gia.
- Ưu tiên sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng: Điều này giúp đảm bảo chất lượng, độ an toàn và hiệu quả khi sử dụng.
- Lựa chọn sản phẩm đúng đối tượng sử dụng: Chỉ dùng các sản phẩm DHA/Omega-3 được thiết kế riêng cho trẻ em. Không sử dụng sản phẩm dành cho người lớn cho trẻ nhỏ, kể cả với liều thấp hơn.
- Chọn sản phẩm đã được tinh lọc kỹ: Đảm bảo loại bỏ các tạp chất, kim loại nặng hay các thành phần gây hại cho trẻ.
- Theo dõi phản ứng của trẻ: Nếu bé có biểu hiện bất thường như dị ứng, nổi mẩn, tiêu hóa kém,… cần ngưng dùng ngay và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được kiểm tra kịp thời.