Viêm xoang không chỉ là bệnh hay gặp ở người lớn mà trẻ em cũng có nguy cơ cao mắc bệnh. Vì vậy, phụ huynh cần đặc biệt lưu ý để có các biện pháp phòng bệnh xoang ở trẻ vào các đợt cao điểm như mùa đông, thời điểm giao mùa…
1. Bệnh xoang ở trẻ em là gì?
Hệ thống xoang trên vùng xương sọ mặt bao gồm: xoang hàm, xoang trán, xoang sàng, xoang bướm. Các xoang có cấu trúc là những khoang rỗng được bao phủ bởi lớp niêm mạc, có vai trò rất quan trọng, không chỉ giúp làm nhẹ khối xương mặt, lọc và làm ẩm không khí vào mũi mà còn còn giúp cộng hưởng âm thanh, tạo cho mỗi người giọng nói đặc trưng.
Viêm xoang là tình trạng viêm niêm mạc các xoang cạnh mũi, được coi như một biến chứng của viêm được hô hấp trên. Đây là một bệnh phổ biến, hay gặp khi thay đổi thời tiết, giao mùa, sức đề kháng giảm và liên quan đến độ ẩm không khí, sự ô nhiễm của môi trường.
Bệnh xoang không chỉ xảy ra phổ biến ở người lớn mà còn ở cả trẻ em, nhất là trẻ dưới 6 tuổi. Tùy theo thời gian diễn biến bệnh, viêm mũi xoang ở trẻ em chia thành ba thể đó là:
- Viêm xoang cấp tính: thời gian bệnh kéo dài dưới 4 tuần
- Viêm xoang bán cấp: bệnh kéo dài từ 4-8 tuần
- Viêm xoang mạn tính: kéo dài ít nhất từ 8-12 tuần dù có được điều trị
Mặt khác, ở các quốc gia nhiệt đới gió mùa, trẻ em thường có tỉ lệ mắc cao hơn vào các thời điểm giao mùa. Bệnh này cần điều trị trong thời gian dài, rất dễ tái phát và biến chứng thành bệnh mạn tính.
2. Đâu là nguyên nhân gây bệnh xoang ở trẻ em?
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh xoang ở trẻ em, trong đó phổ biến nhất là virus, vi khuẩn và nấm. Các vi khuẩn thường gặp là Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, Pseudomonas aeruginosa, E.coli, Klebsiella,… Các vi khuẩn này di chuyển ngược dòng từ vùng hầu họng lên các xoang gây tình trạng viêm xoang cho trẻ.
Ngoài ra, bệnh viêm xoang ở trẻ em còn có liên hệ mật thiết với các bệnh viêm đường hô hấp như:
- Viêm đường hô hấp trên
- Viêm mũi dị ứng
- Hen phế quản
- Suy giảm miễn dịch
- Trẻ có các bất thường giải phẫu về hốc mũi như vẹo vách ngăn, quá phát VA vòm, VA vòi,…
Khi trẻ mắc các bệnh trên mà điều trị không dứt điểm hoặc bệnh tái phát dai dẳng lâu ngàu dễ là niêm mạc mũi trẻ bị phù nề, lỗ thông mũi xoang bị tắc dẫn đến ứ đọng dịch trong xoang, lâu ngày dẫn đến viêm xoang.
Xem thêm: Các bệnh trẻ em hay gặp vào mùa lạnh và cách phòng tránh
3. Nhận biết triệu chứng bệnh xoang ở trẻ
Ở trẻ khoang mũi mới đang trong quá trình phát triển. Cụ thể, khi mới sinh trẻ chỉ có xoang sàng, xoang hàm xuất hiện khi trẻ 3-4 tuổi, xoang bướm và xoang tráng hình thành khi trẻ 7-8 tuổi. Do kích thước xoang ở trẻ nhỏ hơn người lớn nên các triệu chứng viêm xoang ở trẻ em không rõ ràng, khó phân biệt với các chứng bệnh viêm đường hô hấp khác. Mặt khác do trẻ còn nhỏ chưa tự miêu tả được triệu chứng mình gặp phải, do đó việc nhận biết các triệu chứng thường khó hơn.
Tuy nhiên, phụ huynh có thể nghi ngờ trẻ mắc bệnh xoang trong trường hợp trẻ trải qua một đợt viêm đường hô hấp kéo dài trên 1 tuần và trẻ vẫn còn các triệu chứng như:
- Sốt nhẹ, hoặc sốt cao từng hơn
- Chảy nước mũi có màu vàng hoặc xanh đặc
- Trẻ ngạt mũi, điếc mũi
- Hay ho nhiều vào ban đêm
- Dễ nôn ọe
- Hơi thở ngắn do bị nghẹt mũi
- Ngủ ngáy, quấy khóc, ngủ không ngon
- Đau xung quanh vùng mắt từng cơn
- Trẻ mệt mỏi, chán ăn
- Trẻ bị đau đầu, nặng vùng mặt, đau răng…
4. Những biến chứng nguy hiểm của bệnh xoang ở trẻ em
Nếu bệnh xoang ở trẻ em không được điều trị hoặc điều trị không hợp lý, bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Viêm họng mạn tính, viêm tai giữa ứ dịch, polyp mũi
- Viêm phế quản mạn tính, hen suyễn, bệnh nhức đầu dai dẳng
- Viêm dây thần kinh thị giác sau nhãn cầu, viêm tấy ổ mắt, viêm mí mắt, viêm túi lệ
- Viêm cốt-tủy xương, viêm tắc tĩnh mạch hang
- Viêm màng não, viêm não, áp xe não
5. Cách phòng tránh bệnh viêm xoang ở trẻ em
Các biến chứng của bệnh viêm xoang ở trẻ em là vô cùng nguy hiểm, một số biến chứng thậm chí có thể đe dọa tính mạng trẻ. Do đó, các bậc cha mẹ không được chủ quan, khi trẻ bị nghẹt mũi do cảm lạnh hoặc dị ứng thì phải nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để điều trị dứt điểm nhằm ngăn ngừa sự nhiễm khuẩn ở các xoang. Cha mẹ cũng không nên tự mua thuốc điều trị cho trẻ hoặc tự ngưng thuốc khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.
Cha mẹ nên thực hiện một số biện pháp phòng bệnh dưới đây:
- Tránh cho bé tiếp xúc với người đang bị viêm đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản, cảm lạnh… để bé tránh bị lây bệnh. Những bệnh này có thể tiến triển thành viêm xoang.
- Không cho bé tiếp xúc với khói bụi, thuốc lá, tác nhân gây dị ứng nếu bé có cơ địa dị ứng. Điều này đảm bảo cách ly bé khỏi vi khuẩn gây bệnh, tránh gây kích thích hệ hô hấp.
- Khi ra khỏi nhà, cho trẻ mang khẩu trang để giảm nguy cơ hít phải khói bụi và các chất gây ô nhiễm.
- Tập cho bé thói quen rửa tay sạch sẽ trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi từ ngoài vào nhà, sau khi tiếp xúc với người ốm, hạn chế chạm tay lên mặt đặc biệt là mắt – mũi – miệng
- Vệ sinh tai – mũi – họng hàng ngày cho bé bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%
- Vệ sinh nhà cửa và các đồ dùng sinh hoạt sạch sẽ, tạo độ ẩm không khí. Nên khử khuẩn định kỳ những đồ vật bé thường sử dụng hàng ngày như khăn mặt, cốc đánh răng, bát đũa, đồ chơi, đồ dùng học tập…
Như vậy, để phòng tránh bệnh xoang ở trẻ em biến chứng nghiêm trọng, phụ huynh cần ghi nhớ triệu chứng bệnh và nghiêm túc thực hiện biện pháp điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, thực hiện các biện pháp phòng bệnh để trẻ không mắc viêm xoang và không tái phát lại. Để được các dược sĩ tư vấn cụ thể hơn về cách chăm sóc sức khỏe bé nhà bạn, xin vui lòng liên hệ tới hotline 086.956.2628