Canxi là một trong những khoáng chất thiết yếu cho sự phát triển xương và răng của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nên bổ sung canxi cho bé khi nào để vừa hiệu quả vừa an toàn vẫn là câu hỏi khiến nhiều phụ huynh băn khoăn.
Bài viết dưới đây của Glucankid sẽ giúp ba mẹ hiểu rõ thời điểm cần bổ sung canxi cho trẻ, dấu hiệu thiếu canxi và các nguyên tắc bổ sung khoa học.
1. Vì sao trẻ nhỏ cần Canxi?
Vai trò chính của canxi là xây dựng và duy trì xương và răng chắc khỏe. Trong giai đoạn thơ ấu và niên thiếu, cơ thể bé liên tục sử dụng canxi để củng cố hệ xương, giúp bé đạt được chiều cao tối ưu và phát triển hàm răng đều đặn, chắc chắn. Nếu thiếu canxi, trẻ có thể mắc các vấn đề như còi xương, xương yếu dễ gãy, răng mọc chậm, yếu và dễ sâu.

Không chỉ dừng lại ở xương và răng, canxi còn đóng vai trò thiết yếu trong nhiều chức năng cơ bản của cơ thể. Khoáng chất này hỗ trợ quá trình dẫn truyền tín hiệu thần kinh, đảm bảo hệ thần kinh của bé hoạt động hiệu quả. Canxi cũng góp phần duy trì nhịp tim đều đặn và hỗ trợ quá trình đông máu tự nhiên. Thiếu hụt canxi có thể khiến trẻ mệt mỏi, hay cáu gắt, khó ngủ hoặc giật mình.
Bên cạnh đó, canxi còn giúp tăng cường hệ miễn dịch của trẻ. Một hệ miễn dịch khỏe mạnh nhờ đủ canxi sẽ giúp cơ thể bé chống lại các tác nhân gây bệnh từ môi trường bên ngoài, giảm nguy cơ mắc các bệnh thông thường. Việc bổ sung đủ canxi từ sớm cũng là nền tảng để phòng ngừa các vấn đề sức khỏe về sau, đặc biệt là bệnh loãng xương khi trưởng thành. Cùng với vitamin D, canxi là “bộ đôi” không thể thiếu để ngăn ngừa bệnh còi xương ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Đọc thêm: Giải pháp tăng miễn dịch đường hô hấp cho trẻ nhỏ
2. Nên bổ sung Canxi cho bé khi nào?
Không phải bé nào cũng cần bổ sung Canxi và không phải lúc nào cũng cần bổ sung Canxi. Việc bổ sung không đúng thời điểm hoặc quá liều cũng có thể gây hại cho con. Vì vậy, phụ huynh nên cân nhắc bổ sung Canxi cho trẻ trong các trường hợp sau:
2.1. Khi bé có dấu hiệu thiếu Canxi
Đây là lý do quan trọng nhất để bổ sung canxi. Các dấu hiệu thiếu canxi ở trẻ bao gồm:
- Rối loạn giấc ngủ: Trẻ khó ngủ, ngủ không sâu giấc, hay giật mình, quấy khóc về đêm.
- Đổ mồ hôi trộm: Đặc biệt là khi ngủ, ngay cả khi trời không nóng.
- Rụng tóc vành khăn: Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tóc rụng thành hình vành khăn ở sau gáy.
- Chậm phát triển vận động: Trẻ chậm biết lẫy, biết bò, biết đi so với mốc phát triển.
- Chậm mọc răng, răng yếu: Răng mọc muộn, mọc không đều, men răng kém, dễ bị sâu.
- Biếng ăn, nôn trớ: Canxi tham gia vào quá trình tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng, thiếu canxi có thể khiến trẻ biếng ăn.
2.2. Các giai đoạn phát triển quan trọng
Nhu cầu canxi của trẻ tăng lên đáng kể trong một số giai đoạn “vàng” của sự phát triển:
- Trong bụng mẹ: Việc mẹ bầu nạp đủ canxi trong th ai kỳ rất quan trọng, giúp xương và răng của bé phát triển tốt nhất từ khi còn là phôi thai.
- Giai đoạn từ 6 tháng tuổi đến 3 tuổi: Đây là thời kỳ quan trọng khi trẻ bắt đầu ăn dặm, nhu cầu phát triển xương và răng tăng cao. Sữa mẹ hoặc sữa công thức có thể không còn đáp ứng đủ lượng canxi cần thiết.
- Giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì (từ 9 – 18 tuổi): Đây là thời kỳ “bứt phá” chiều cao của trẻ. Nhu cầu canxi ở giai đoạn này rất cao để hỗ trợ sự phát triển vượt bậc của xương.

2.3. Các trường hợp đặc biệt
Một số trường hợp trẻ có thể cần bổ sung canxi sớm và tích cực hơn, dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ:
- Trẻ sinh non, nhẹ cân.
- Trẻ có bệnh lý đường tiêu hóa: Gây kém hấp thu các chất dinh dưỡng, bao gồm canxi.
- Trẻ bị dị ứng hoặc không dung nạp lactose/protein sữa: Không thể tiêu thụ các sản phẩm từ sữa – nguồn canxi dồi dào.
- Trẻ có chế độ ăn không đủ canxi: Ví dụ như trẻ ăn chay hoàn toàn hoặc chế độ ăn quá nghèo nàn.
- Trẻ ít được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp vitamin D, gây cản trở hấp thu canxi.
- Trẻ có các bệnh lý liên quan đến hấp thu vitamin D hoặc chuyển hóa canxi.
3. Lưu ý quan trọng khi bổ sung canxi
Để đảm bảo hiệu quả hấp thụ của bé cũng như hạn chế những rủi ro có thể xảy ra, phụ huynh cần lưu ý một số điểm sau:
- Không tự ý bổ sung: Việc bổ sung canxi quá liều có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn như táo bón, sỏi thận, hoặc ức chế hấp thu các khoáng chất khác (sắt, kẽm). Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định liều lượng và loại canxi phù hợp.
- Kết hợp với Vitamin D: Vitamin D là yếu tố then chốt giúp cơ thể hấp thu canxi hiệu quả. Hãy đảm bảo trẻ được cung cấp đủ vitamin D (qua tắm nắng, thực phẩm hoặc bổ sung).
- Thời điểm uống canxi: Tốt nhất nên cho trẻ uống canxi vào buổi sáng, sau bữa ăn khoảng 30 – 60 phút, và kết hợp cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tránh uống canxi vào buổi tối vì có thể gây lắng đọng, khó hấp thu.
- Không uống cùng lúc với một số thực phẩm/thuốc: Tránh uống canxi cùng lúc với sữa, sắt, kẽm, hoặc các thực phẩm chứa axit oxalic (như măng, rau dền, rau muống) vì có thể làm giảm hấp thu.

Nên bổ sung canxi cho bé khi nào? – Câu trả lời phụ thuộc vào chế độ ăn, giai đoạn phát triển và dấu hiệu lâm sàng của trẻ. Việc bổ sung canxi đúng thời điểm không chỉ giúp trẻ tăng chiều cao, phát triển xương vững chắc mà còn hỗ trợ giấc ngủ và tâm trạng ổn định hơn. Nếu ba mẹ chưa chắc chắn về tình trạng của con, nên tham khảo ý kiến bác sĩ dinh dưỡng để nhận tư vấn cụ thể nhé!